HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG "CÁC VẤN ĐỀ TÂM LÝ CỦA HỌC SINH VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ TÂM LÝ"

13:28, 30/08/2021
1709
0

Ngày 28/07/2021, Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Lao động – Xã hội Cơ sở II tại TP. Hồ Chí Minh (ULSA2) đã tổ chức Hội thảo “Các vấn đề tâm lý của học sinh và vai trò của Nhà tâm lý” trên nền tảng Google Meet.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh những nghiên cứu và ứng dụng của tâm lí học đường Việt Nam còn nhiều hạn chế và bất cập; trong khi đó nhiều học sinh có biểu hiện của sự bất ổn tâm lí, những vụ tự tử, trầm cảm dần trở thành “vấn nạn” đáng báo động... Hội thảo là cơ hội để công bố kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lí học trường học; phát triển tâm lí học trường học. Đây là diễn đàn cho các nhà khoa học, giảng viên, các nhà thực hành và sinh viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề tâm lý của học sinh trong trường học và vai trò của nhà Tâm lý học ở Việt Nam hiện nay. Được sự chấp thuận của Ban Giám đốc, Khoa Công tác xã hội Trường Đại học Lao động – Xã hội Cơ sở II tại TP.HCM đã tổ chức buổi Hội thảo “Các vấn đề tâm lý của học sinh và vai trò của Nhà tâm lý” diễn ra vào ngày 25/7/2021 trên nền tảng Google Meet.

Hội thảo khoa học “Các vấn đề tâm lý của học sinh và vai trò của Nhà tâm lý”

Tại buổi hội thảo, Ban Tổ chức rất vinh dự được đón tiếp Lãnh đạo Nhà trường, Lãnh đạo các đơn vị phòng ban, tập thể giảng viên Khoa Công tác xã hội và hơn 100 tham dự viên là Quý Thầy/Cô giảng viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà thực hành, sinh viên đến từ các đơn vị nghiên cứu, giáo dục, thực hành thuộc nhiều khu vực của Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Công tác xã hội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Công tác xã hội nhấn mạnh mục đích của buổi Hội thảo: Tạo diễn dàn cho các nhà khoa học, giảng viên, các nhà thực hành và sinh viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề tâm lý của học sinh trong trường học và vai trò của nhà Tâm lý học; Phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp học sinh có các vấn đề tâm lý trong trường học; Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo các chuyên gia Tâm lý học làm việc trong lĩnh vực trợ giúp học sinh có các vấn đề tâm lý trong trường học ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Hoài Anh, Giảng viên Khoa Công tác xã hội CSII-Trường Đại học Lao động – Xã hội đã trình bày tham luận về “Mô hình tâm lý học trường học tại Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Nội dung tham luận nghiên cứu và phân tích mô hình tâm lý học trường học đã được xây dựng và áp dụng hiệu quả tại Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó đưa ra bài học kinh nghiệm và đề xuất áp dụng thành tựu, xây dựng mô hình riêng của Việt Nam, phát triển công tác thực hành tâm lý học trường học tại Việt Nam.

ThS. Nguyễn Thị Hoài Anh, Giảng viên Khoa Công tác xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiếp theo là phần trình bày tham luận của Cô ThS. Trịnh Thị Mai, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ năng mềm - ĐH FPT với chủ đề Thực trạng sức khỏe tâm thần và mô hình can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho SV ĐH FPT Hà Nội”. Mô hình thực hành và các đánh giá đã tiến hành được trình bày trong nghiên cứu nhằm chứng minh tính hữu ích và hiệu quả của mô hình hỗ trợ tâm lý có thể mang lại nhiều đổi thay cho người học. Mặc dù mô hình này không hề can thiệp đến phương pháp học tập hay tri thức học tiếp nhận, mà can thiệp vào các vấn đề tâm lý để giúp sinh viên có đời sống khỏe mạnh hơn. Từ đó, mô hình này giúp cho quá trình học tập và hòa nhập với môi trường ĐH FPT của sinh viên tốt hơn.

ThS. Trịnh Thị Mai, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ năng mềm - ĐH FPT trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong phần trình bày tham luận của mình, ThS. Vũ Thị Lụa , Giảng viên Khoa Công tác xã hội CSII - Trường Đại học Lao động – Xã hội, đã trình bày Nghiên cứu về Khó khăn trong hành vi học tập của học sinh lớp 12 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước”. Nghiên cứu đề cập đến thực trạng khó khăn trong hành vi học tập của học sinh lớp 12 trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Đăng Hà huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước. Khó khăn trong hành vi học tập của học sinh được biểu hiện cụ thể ở khó khăn trong bốn loại hành vi. Trong đó khó khăn trong hành vi thảo luận nhóm là rõ nét nhất, kế đến là khó khăn trong hành vi làm bài kiểm tra và bài thi kết thúc học kỳ, khó khăn trong hành vi tự học ở nhà và cuối cùng là khó khăn trong hành vi học tập trên lớp.

ThS. Vũ Thị Lụa , Giảng viên Khoa Công tác xã hội trình bày tham luận tại Hội thảo

Tiếp nối chương trình Hội thảo là phần trình bày tham luận của Thầy Nguyễn Văn Tú, GV Tư vấn tâm lý - Trường THPT Tây Thạnh với chủ đề Vấn đề sức khỏe tinh thần trước khi thi học kì của học sinh trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM”. Stress, lo âu, trầm cảm là những vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp trong cuộc sống. Nghiên cứu này chứng minh tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay của học sinh trường Trung học phổ thông Tây Thạnh trước khi thi học kì là hết sức cần thiết, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và kịp thời hỗ trợ học sinh.

Nguyễn Văn Tú, GV Tư vấn tâm lý - Trường THPT Tây Thạnh trình bày tham luận tại Hội thảo

Phần trình bày tham luận cuối của buổi Hội thảo với chủ đề Khó khăn tâm lý và nhu cầu của học sinh về hoạt động tham vấn trường họcđược trình bày bởi Thầy Lê Văn Hiền, Khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Nghiên cứu được thực hiện ở 319 học sinh trường THPT Phan Châu Trinh – TP Đà Nẵng để tìm hiểu khó khăn của học sinh trên 4 khía cạnh chính. Kết quả cho thấy, học sinh gặp khó khăn cao trong học tập và hướng nghiệp, có sự khác biệt giữa các khối lớp. Học sinh có những mong muốn, nguyện vọng về hoạt động tham vấn tâm lý của nhà trường. Trên cơ sở thực trạng, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm giải tỏa những khó khăn và đáp ứng những mong muốn về hoạt động tham vấn tâm lý của các em.

Lê Văn Hiền, Khoa Tâm lý giáo dục - Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại Hội thảo

Sau phần trình bày tham luận của các báo cáo viên, các nhà khoa học, giảng viên, các nhà thực hành và sinh viên đã thảo luận, chia sẻ sôi nổi. Nhiều câu hỏi đã được giải đáp thỏa đáng tại Hội thảo, đồng thời còn nhiều câu hỏi mở ngỏ để mở ra hướng nghiên cứu tìm tòi bổ sung. Thông qua phần thảo luận tại Hội thảo, Ban tổ chức nhận thấy nội dung Hội thảo có sức lan tỏa đến đại biểu và các em sinh viên, đồng thời liên quan đến vấn đề đào tạo tại nhà trường và các đơn vị khác có quan tâm. Những vấn đề đặt ra chưa được giải quyết thỏa đáng sẽ được giải quyết trong một Hội thảo tương lai.

Cuối buổi Hội thảo TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm đã có những ý kiến chỉ đạo từ phía lãnh đạo nhà trường về chủ trương cũng như định hướng của nhà trường về những vấn đề tâm lý của học sinh và công tác đào tạo ngành Tâm lý học. Cô cũng đã có những lời động viên và khích lệ giảng viên, sinh viên trong Khoa Công tác xã hội. Cô nhấn mạnh nghiên cứu và giảng dạy là cuộc tiếp sức của nhiều thế hệ, trong diễn đàn này có ý kiến đồng thuận nhưng có ý kiến chưa nhận được sự đồng thuận là bình thường, điều quý là chúng ta đã ngồi lại với nhau để bàn những vấn đề nghiên cứu và đào tạo trong thời lúc dịch Covid. Cô hy vọng tinh thần ấy sẽ được lan tỏa rộng lớn hơn trong đời sống xã hội.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm - Phó Bí Thư Đảng Uỷ, Phó Giám đốc CSII – Trường
Đại học Lao động – Xã hội phát biểu chỉ đạo

 

Tham dự viên chụp hình tại Hội thảo trực tuyến

Ban Tổ chức Hội thảo xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) đã quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho Khoa Công tác xã hội tổ chức Hội thảo này. Đồng thời, BTC cũng trân trọng cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài tham luận về cho chúng tôi. Những ý kiến quý báu của quý vị góp phần không nhỏ vào sự thành công của Hội thảo.

Người viết : Nguyễn Thị Hoài Anh
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline