Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, Ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đóng vai trò rất quan trọng và đang trở thành ngôn ngữ quốc tế, được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Để góp phần định hướng, phát triển năng lực, nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ hiện nay, ngày 19 tháng 07 năm 2024, Khoa Ngoại ngữ -Trường Đại học Lao động – Xã hội Cơ sở II - TP. HCM tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngôn ngữ trong giai đoạn hiện nay”. Với hơn 45 bài báo gửi tới Hội thảo, 30 bài được lựa chọn đăng toàn văn kỉ yếu, một lần nữa các nhà khoa học, các nhà giáo, các cán bộ nghiên cứu đến từ các đơn vị trong và ngoài trường như: Trường Đại học Ngoại ngữ & Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Kỹ Thuật Công Nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh v.v... đã mang tới Hội thảo những kết quả nghiên cứu đặc sắc, những góc nhìn mới lạ, những kinh nghiệm, tâm huyết và cả những ý tưởng nghiên cứu vừa chớm nở về các lĩnh vực như ngôn ngữ học, quốc tế học, giáo dục ngoại ngữ, và một số lĩnh vực liên quan khác.
Tại buổi hội thảo, Ban Tổ chức rất vinh dự được đón tiếp Cô TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm- Phó Bí Thư Đảng Uỷ, Phó Giám đốc CSII – Trường Đại học Lao động – Xã hội, Cô GVC. TS. Lê Thị Nhung, Trưởng P. Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Thầy TS. Nguyễn Văn Đông – Quản lý, Điều hành TT ĐTBD&DV, Thầy TS. Phạm Thanh Hải, P. Trưởng Khoa Công tác Xã hội, Thầy TS. Kiều Lê Công Sơn, P. Trưởng khoa, Phụ trách Khoa Lý luận Chính trị cùng toàn thể giảng viên khoa Ngoại ngữ và hơn 20 sinh viên CSII - Trường Đại học Lao động – Xã hội.
ThS. Nguyễn Tất Hiệp, Quản lý, điều hành khoa Ngoại ngữ phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thầy ThS. Nguyễn Tất Hiệp, Quản lý, điều hành Khoa Ngoại ngữ nhấn mạnh Hội thảo tạo ra góp phần nâng cao năng lực và chất lượng dạy môn tiếng Anh của giảng viên Khoa Ngoại ngữ và nâng cao chất lượng học tiếng Anh của sinh viên. Đồng thời, đây cũng là diễn đàn để từng bước góp phần xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mối tương quan giữa nhu cầu đào tạo và thực tiễn khai thác lợi thế của Trường, phục vụ cho nhu cầu đào tạo.
Cũng tại buổi Hội thảo TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm đã có những ý kiến chỉ đạo từ phía lãnh đạo nhà trường về chủ trương cũng như định hướng của nhà trường trong việc không ngừng nâng cao và đổi mới việc dạy và học tiếng Anh trong trường. Cô cũng cho thấy tầm quan trọng của việc thành thạo ngoại ngữ nhất là tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, không chỉ dừng lại ở việc có cơ hội việc làm mà còn mở ra những cơ hội về nghiên cứu và hợp tác sâu rộng trong tương lai. Cô cũng đã có những lời động viên và khích lệ giảng viên trong khoa Ngoại ngữ, không ngừng nỗ lực trong nghiên cứu và giảng dạy để có những phương pháp truyền đạt kiến thức hay hơn và lôi cuốn sinh viên hơn nữa.
Cô TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CSII – Trường Đại học Lao động – Xã hội phát biểu chỉ đạo
Mở đầu Hội thảo, Cô ThS. Phạm Thị Hằng, Giảng viên Khoa Bảo hiểm, CSII-Trường Đại học Lao động – Xã hội đã trình bày tham luận về Xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong việc dạy và học ngôn ngữ. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh đã tạo ra một bước dài trong các nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, vận tải, y tế, giải trí và giáo dục, trong đó các công cụ này đã được đưa vào việc học ngôn ngữ. Bài nghiên cứu dựa vào dữ liệu từ 175 bài nghiên cứu liên quan tới trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) và việc học ngôn ngữ bằng việc sử dụng phần mềm VOSviewer. Tác giả đưa ra ba xu hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới này trong việc học ngôn ngữ, xem xét các ứng dụng sử dụng GenAI nhằm đưa ra các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ người học phát huy tốt các tác động tích cực của các công cụ trong quá trình học ngôn ngữ.
ThS. Phạm Thị Hằng, Giảng viên Khoa Bảo hiểm trình bày tham luận tại Hội thảo
Tiếp theo là phần trình bày tham luận của Cô ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hải, Giảng viên từ Viện Tài chính – Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, với chủ đề “Phân tích một số khó khăn trong việc dạy và học tếng Anh chuyên ngành kế toán” Bài viết tập trung vào tầm quan trọng của tiếng Anh chuyên ngành (TACN) kế toán trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, khi sự cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế ngày càng gay gắt. Tiếng Anh là công cụ giao tiếp quan trọng, giúp người lao động có cơ hội tuyển dụng và thăng tiến trong các doanh nghiệp quốc tế. Đặc biệt, sinh viên kế toán cần sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu công việc tại các công ty đa quốc gia. Bài viết phân tích lý thuyết về TACN, những khó khăn trong giảng dạy và học tập TACN kế toán, bao gồm chất lượng bài giảng, kiến thức chuyên ngành của giảng viên, trình độ tiếng Anh của sinh viên và thiếu khung lý thuyết hỗ trợ. Để cải thiện tình hình, các đề xuất bao gồm khảo sát nhu cầu của người học và doanh nghiệp, trang bị kiến thức chuyên ngành cho giảng viên, chú trọng tiếng Anh tổng quát trong chương trình đào tạo, và thiết kế nội dung giảng dạy, đề thi bám sát thực tế sử dụng tiếng Anh trong kế toán.
Trong phần trình bày tham luận của mình, cũng là phần trình bày tham luận cuối cùng tại Hội thảo, ThS. Tống Thành Thụy, Giảng viên Khoa Ngoại ngữ - CSII-Trường Đại học Lao động – Xã hội, đã trình bày Nghiên cứu về Phương pháp tiếp cận kỹ năng Viết tiếng Anh của sinh viên năm nhất không chuyên ngữ tại Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II-TP. HCM) (Approaches and Acquaintances of Writing Skills in English as a Second Language Contexts of first year non- English majored students at University of Labor and Social Affairs HCMC Campus). Mục đích của nghiên cứu là đánh giá chiến lược viết tiếng Anh được thực hiện bởi sinh viên năm nhất không chuyên ngành tiếng Anh tại CSII-Trường Đại học Lao động – Xã hội và xác định cách chiến lược này ảnh hưởng đến kỹ năng viết của sinh viên. Một mục tiêu khác của nghiên cứu là đề xuất các gợi ý để cải thiện hiệu quả của việc giảng dạy viết trong môi trường Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai (ESL). Theo các kết quả, giáo viên nhận thấy sinh viên vẫn gặp khó khăn về cú pháp, chính tả, cấu trúc bài luận, sự liên kết và sự thuyết phục trong các yếu tố viết khác. Mặc dù số liệu cho thấy sinh viên đánh giá phản hồi mạnh mẽ, vẫn có những trường hợp giảng viên không đưa ra đủ phản hồi rõ ràng và hữu ích.
Sau phần trình bày tham luận của các báo cáo viên, các thầy cô và các bạn sinh viên đã thảo luận và có những ý kiến đóng góp rất tích cực cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh tại CSII - Trường Đại học Lao động – Xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo Khoa học Khoa Ngoại ngữ 2024
Sinh viên và Giảng viên cùng thảo luận về các lĩnh vực liên quan đến chủ đề Hội thảo
Đại biểu tham dự Hội thảo cùng chụp ảnh lưu niệm
Ban Tổ chức Hội thảo xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) đã quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện thuận lợi cho Khoa Ngoại ngữ tổ chức hội thảo này. Đông thời, chúng tôi cũng trân trọng cảm ơn các tác giả đã quan tâm gửi bài tham luận về cho chúng tôi. Những y kiến quy báu của quy vị góp phần không nho vào sự thành công của Hội thảo.