HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG“GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY”

10:00, 24/07/2020
2321
0

HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG“GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY”

Sáng 21/7/2020, tại phòng B3-02, Trường Đại học Lao động – Xã hội Cơ sở II thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành luật đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay”.

Đến tham dự hội thảo, về phía khách mời có PGS. TS. Doãn Hồng Nhung – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS. TS. Bành Quốc Tuấn, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh; TS. GVC. Vũ Thế Hoài, Đại học Sài Gòn; TS. Nguyễn Xuân Bang – Đại học Đà Lạt; ThS. Nguyễn Minh Diễm Quỳnh, Đại học An Giang; ông Nguyễn Chí Hà – Viện phó Viện Kiểm sát Nhơn Trạch, Đồng Nai, ThS. Hoàng Thị Giang – Nhà xuất bản Tư pháp, Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long; Ông Nguyễn Thọ Sơn – Giám đốc Ngân hàng Nam Á, chi nhánh Quận 10 và một số giảng viên của Đại học Sài Gòn, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía Nhà trường có TS. Phạm Ngọc Thành – Giám đốc Cơ sở II, TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm – Phó Giám đốc Cơ sở II, lãnh đạo một số đơn vị (Đào tạo, Quản lý chất lượng, Tổ chức Hành chính, khoa Ngoại ngữ cùng toàn thể giảng viên khoa Luật Cơ sở II và đại diện sinh viên các khóa của khoa Luật.

1_2

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS. Nguyễn Đăng Phú– Phó Trưởng Khoa Luật - Phụ trách khoa chia sẻ về thực trạng sinh viên Luật tốt nghiệp ra trường thường chưa thực sự vững vàng về kiến thức chuyên môn, thiếu tự tin và kỹ năng hành nghề. Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến cử nhân luật khó xin được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Chính vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng hành nghề luật cho sinh viên ngay tại trường đại học là vấn đề cấp bách. Trong dòng chảy chung của đổi mới giáo dục đại học ở nước ta, việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành luật tại Trường Đại học Lao động – Xã hội (Cơ sở II) càng trở nên bức thiết.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm chia sẻ, mặc dù mới đào tạo ngành Luật Kinh tế được 3 năm và có nhiều khó khăn về nguồn học liệu, chương trình đào tạo, sự gắn kết với các đơn vị sử dụng lao động nhưng lãnh đạo khoa và Nhà trường luôn nỗ lực tạo điều kiện cho sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia sân chơi học thuật pháp luật và đã đạt được kết quả nhất định như: giải ba cuộc thi tinh thần pháp luật 2019 “An ninh cá nhân”(ĐH HUFLIT, ĐH UEL và ĐH ULSA2).

2_2

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm chia sẻ thông tin tại Hội thảo

TS. Phạm Ngọc Thành – Giám đốc Cơ sở II khẳng định chất lượng đào tạo đối với Nhà trường hiện nay là vấn đề sống còn. Ngành Luật của cơ sở II là ngành mới được đào tạo được 3 năm, đội ngũ giảng viên mỏng. Việc chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của quý thầy, cô đến từ các trường đã đào tạo về Luật rất quan trọng. Tất cả các ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ là định hướng cho Nhà trường trong việc cải thiện chất lượng đào tạo chuyên ngành luật trong thời gian tới. Để chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của thực tế xã hội, lãnh đạo khoa, giảng viên cần nâng cao trách nhiệm xã hội và xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tế. Nhà trường luôn tạo điều kiện và hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên.

3_2

TS. Phạm Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Trong không khí sôi nổi của Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành Luật đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay như:

Cần xây dựng khung chương trình đảm bảo tính khoa học và logic, nguồn học liệu tốt; chương trình đào tạo cần bố trí thời lượng để thực hành, đi thực tế tại các đơn vị; đa dạng hóa các hoạt động thực hành nghề luật thông qua: cuộc thi học thuật, phiên tòa giả định, đưa các tình huống, án lệ, bản án trong thực tế vào giảng dạy để khơi nguồn sáng tạo và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên.

Trong bối cảnh giáo dục đại học đang phải không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của xã hội, đảm bảo thực hiện sứ mệnh giáo dục cũng như các cam kết đã đặt ra thì việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là yêu cầu cấp bách. Nhà trường cần lưu ý xây dựng đội ngũ giảng viên gắn với công tác thực tiễn thông qua việc tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các hoạt động tại các văn phòng luật sư, cơ quan tòa án, Viện kiểm sát hoặc mời Luật sư, Chánh án, Viện kiểm sát tham gia giảng dạy. Đồng thời, có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị sử dụng lao động để định hướng và điều chỉnh chương trình đào tạo, tạo điều kiện để sinh viên giao lưu học hỏi cùng với các cơ sở đào tạo khác.

Ngành luật là ngành đặc thù, nhu cầu xã hội trong giai đoạn tới rất cao nên sinh viên cần định hướng vị trí, vị thế của mình trong từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và cần xây dựng các chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp để định hướng sinh viên.

Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong trường đại học là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo chuyên ngành Luật nói riêng.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

4_2

5.

6_1

7_2

7_3

Người viết : Đặng Thị Tố Uyên
Ý kiến bạn đọc
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline