Báo chí đóng vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin về việc làm

14:17, 01/10/2019
56382
0
 
 
(LĐXH)- Từ ngày 17 - 19/9, tại TP Cần Thơ, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Việc làm - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị Truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí khu vực phía Nam.
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, phát triển thị trường lao động và định hướng trọng tâm các vấn đề lao động việc làm năm 2019 và thời gian tiếp theo.
Ông Lê Quang Trung và TS.Trần Ngọc Diễn chủ trì Hội nghị
Đồng chủ trì Hội nghị có ông Lê Quang Trung – Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội. Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu đại diện cho các Sở LĐTB&XH, các Trung tâm dịch vụ việc làm phía Nam, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cùng hơn 100 quan báo chí Trung ương và địa phương tới dự và đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Trung cho biết: Hiện nay, cả nước có trên 54 triệu lao động có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỉ lệ thiếu việc làm không cao. Với trách nhiệm của mình, Bộ LĐTB&XH đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về lao động, việc làm, tiềnlương, bảo hiểm xã hội góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; mở rộng phạm vi bao phủ của các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động sang khu vực phi chính thức. Cùng với đó là Cung – Cầu lao động; gắn kết giữa đào tạo và việc làm. 
Ông Lê Quang Trung – Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm
Lĩnh vực việc làm đang là vấn đề được toàn thể xã hội hết sức quan tâm, có nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực việc làm cần truyền tải như: Các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, chính sách việc làm với thanh niên, phụ nữ, những đối tượng người mãn hạn tù; phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động đề án dự báo cung cầu lao động; hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm; đề án quản lý lao động, sử dụng lực lượng lao động, lao động nước ngoài tại việt nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội; chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách này, chính vì vậy để truyền tải các nội dung, nội hàm về  vấn đề việc làm, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí lại càng quan trọng.
Ông Lê Quang Trung mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí đồng hành cùng các hoạt động của Bộ LĐTB&XH, trong đó có lĩnh vực thông tin về việc làm, để xã hội nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề này. Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH xác định 3 đột phá trong năm nay, đó là về thể chế, thị trường lao động, gắn đào tạo với việc làm. Việc làm không đơn thuần là vấn đề xã hội, mà hướng tới sử dụng năng suất, chất lượng cao hơn; quan tâm đến phát triển thị trường lao động, sử dụng lao động… Do đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin đến xã hội, người lao động. 
TS. Trần Ngọc Diễn thông tin tới các phóng viên về nội dung Hội nghị

** Thông tin về kết quả 10 năm thực hiện chính sách BHTN, ông Trần Tuấn Tú – Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết: Chính sách BHTN là chính sách mới trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động, là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Song quan trọng hơn vẫn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm.

Ông Trần Tuấn Tú trình bày tại Hội nghị

Đến nay, các chính sách về HBTN đã được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được những vấn đề đặt ra và theo thông lệ quốc tế. Các chính sách đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của người lao động, người sử dụng lao động; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao.

Số người tham gia BHTN liên tục tăng qua từng năm, đến nay là gần 13 triệu người tham gia, vượt so với dự kiến. Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường và hiệu quả; 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hơn 180 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Sau 10 thực hiện, số người tham gia và đóng BHTN liên tục tăng qua các năm và đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu năm 2009 mới chỉ có 5.993.300 người tham gia BHTN thì tới năm 2015 (năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có 10.308.180 người tham gia, tăng 11,8% so với năm 2014; năm 2016 có 11.061.562 người tham gia, tăng 7,3 so với năm 2015; năm 2017 có 11.774.742 người tham gia, tăng 8,1% so với năm 2016 và năm 2018 có 12.680.173 người tham gia, tăng 7,7% so với năm 2017, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người), tổng số đơn vị tham gia BHTN là 361.586 đơn vị.

Tổng số tiền thu BHTN không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân số tiền đóng BHTN hằng thàng của người lao động là trên 4,9 triệu đồng, tăng 9,94% so với bình quân tiền đóng năm 2017. Tổng số tiền thu BHTN năm 2018 là trên 15.500 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tổng số tiền thu năm 2017 (13.517 tỷ đồng).

Hội nghị thu hút đông đảo các học giả,nhà khoa học, nhà quản lý và phóng viên báo chí

Về chỉ tiêu trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Việc làm thông tin: Giai đoạn đến năm 2021: phấn đấu đạt khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Giai đoạn đến năm 2025: phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Giai đoạn đến năm 2031: phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 ** Trình bày tham luận “Chất lượng việc làm trong kỷ nguyên 4.0: Một số nhận định tổng quan từ nhóm doanh nghiệp FDI”, TS Nguyễn Thị Hoa Tâm – Trường ĐH Lao động – Xã hội (Cơ sở II) cho biết: Trước những áp lực cận kề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều vấn đề được đặt ra trong lĩnh vực lao động, trong đó chủ đề chất lượng việc làm nhận được sự quan tâm đặc biệt.

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm

TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm tập trung vào những vấn đề quan trọng đang được đặt ra để tìm kiếm câu trả lời. Một là, những tiêu chí nào giúp nhận ra thực trạng của chất lượng việc làm trong khu vực doanh nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp FDI? Hai là, làm thế nào để nâng cao chất lượng việc làm theo những tiêu chí đã đề xuất? Ba là, cả doanh nghiệp FDI, người lao động và Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị những gì để hướng đến chất lượng việc làm tốt hơn trước kỷ nguyên của công nghệ 4.0? Bằng cách phân tích những quan điểm chuyên gia và cộng đồng lao động, một mô tả về kỳ vọng đối với chất lượng việc làm của công nhân trong các ngành dệt may và bán lẻ sẽ được thiết lập, bao gồm các tiêu chí đánh giá và thang đo cho mỗi tiêu chí.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có hơn 30 năm đóng góp rất đáng trân quý vào sự phát triển của kinh tế xã hội của nước ta. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến gần hơn với sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và quản lý, vận hành doanh nghiệp. Tương lai của những cỗ máy “làm không công” đang hiện ra rõ hơn, đe doạ trực tiếp vào cơ hội làm việc của nhóm lao động đơn điệu. Theo đó, yêu cầu của công nghệ trong tương lai đang đặt ra những thách thức nhất định đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.

Đồng thời, có những câu hỏi cần được trả lời như: 1) Liệu chất lượng việc làm của những doanh nghiệp FDI hiện nay có thể thay đổi để bắt nhịp cùng với quá trình hiện đại hoá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? 2) Nếu có thể thay đổi được chất lượng việc làm thì cần chuẩn bị những gì để thực hiện những thay đổi đó? 3) Những thay đổi cần được thực hiện như thế nào để có thể đáp ứng được những yêu cầu đã đặt ra trong chiến lược phát triển của Việt Nam?

Theo bà Hoa Tâm, vấn đề công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 đã cận kề và đã có dấu hiệu xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những vấn đề đặt ra cho thấy cần có một cuộc đua thực sự giữa tốc độ phát triển công nghệ và tốc độ cải tiến, cập nhật của chất lượng nguồn nhân lực. Đây là vấn đề tất yếu trong kỷ nguyên số.

Về vấn đề về chất lượng việc làm: Đã chú trọng những chỉ tiêu quan trọng phản ánh bản chất của chất lượng việc làm, trong đó có những chỉ tiêu tập trung không chỉ vào kiến thức mà còn cả kỹ năng của lao động. Đặc biệt là lao động có chuyên môn nghề nghiệp. Hiện tượng phân cực việc làm có thể sẽ diễn ra và sứ mệnh của hệ thống giáo dục là tham gia vào quá trình này như thế nào.

Về quan hệ lao động, việc thống nhất quan điểm về quan hệ lao động và lợi ích thực sự trong mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động. Vấn đề tăng cường chất lượng của tổ chức đại diện cho các chủ thể quan hệ lao động được đặt ra ngày càng rõ ràng hơn. Trong đó, với một hành lang pháp lý tốt hơn và phù hợp hơn, hệ thống quan hệ lao động sẽ có những bước tiến rõ rệt hơn trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ.

** Thông tin về thị trường lao động – việc làm khu vực phía Nam, ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Dự báo nhân lực cho biết: Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong các lĩnh vực: Công nghệ gốc, công nghệ nguồn, nhân lực chất lượng cao; chính sách và hạ tầng kỹ thuật số; quyền lực mềm, biên giới mềm, an ninh không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia.

Ông Trần Anh Tuấn thông tin tại Hội nghị

Thách thức đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề lao động – việc làm, đó là sự phát triển của công nghiệp 4.0 đặt ra nhu cầu cấp bách phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao. Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực lao động việc làm là hiện nay Việt Nam có cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.  Nhân lực  có nghề  chuyên môn kỷ thuật chất lượng cao   chiếm số lượng ít, chưa đáp ứng kịp những thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện đại.

Vì vậy, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Theo ông Trần Anh TuấnChính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi của công nghệ và phát triển của cách mạng công nghiệp mới; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội.

Đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững vừa là nhu cầu bức thiết, vừa là thách thức phải vượt qua. Trong kinh tế tri thức ở trình độ công nghiệp 4.0, đổi mới, sáng tạo trở thành nguồn năng lượng và là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng và phát triển, đồng thời là nhân tố chính quyết định sự tiến bộ xã hội, là yếu tố làm thay đổi nhanh chóng cách thức tổ chức quản lý. 

** Chia sẻ kinh nghiệm tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và thực hiện chính sách BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, ông Tiêu Minh Dưỡng – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ nhấn mạnh: Công tác tuyên truyền cho các hoạt động được thực hiện rộng rãi, phong phú như đăng tải trên Cổng thông tin www.vieclamcantho.vn, mạng xã hội facebook, zalo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ, băng rôn, một số hoạt động được tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình thành phố và các quận, huyện giúp khách hàng nắm rõ thông tin và được hỗ trợ kịp thời.

Ông Tiêu Minh Dưỡng – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ

Trung tâm Cần Thơ chủ động hơn trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện công tác nghiệp vụ được trang bị đầy đủ và luôn được bổ sung để phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa bàn cũng như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên việc tổ chức thực hiện hoạt động được đồng bộ, thống nhất. Qua đó giúp người lao động, cũng như doanh nghiệp giảm chi phí khi tham dự, góp phần làm giảm được sự mất cân đối giữa cung và cầu (nơi thừa, nơi thiếu), qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động đến người lao động nên thu hút được lực lượng lao động trẻ, đặt biệt là đối tượng học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và đã tốt nghiệp tiếp cận thông tin để tìm có việc làm, giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp đối với đối tượng này.

Người lao động được tư vấn tại Trung tâm DVVL TP Cần Thơ

”Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ luôn đặt khách hàng là trọng tâm thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và hỗ trợ người lao động khi tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Để làm được điều này, Trung tâm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động. Trong đó, các hoạt động giao dịch việc làm luôn được chú trọng quan tâm, không chỉ nâng cao chất lượng, số lượng mà còn đa dạng, phong phú về hình thức tổ chức; mở rộng đối tượng khách hàng để thông tin về thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng trình tự, thủ tục quy định” – Lãnh đạo Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ nhấn mạnh.

** Trình bày tham luận về Hiệu quả vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm ở TP Cần Thơ, ông Huỳnh Văn Thuận – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Cần Thơ cho biết:  Nguồn vốn cho vay của chương trình đến nay đạt 327 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng so với năm 2003 (tăng bình quân gần 20 tỷ đồng/năm). Qua 16 năm triển khai thực hiện, Chi nhánh đã giải ngân cho 23.900 dự án vay vốn với tổng số tiền 606 tỷ đồng; trong đó, Chi nhánh đã giải ngân cho 2.264 dự án với số tiền là 110 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 325 tỷ đồng, với 9.500 hộ còn dư nợ, tăng 307 tỷ đồng (tăng 15 lần) so với năm 2003; mức dư nợ bình quân 34 triệu đồng/lao động; chiếm 13,52% trên tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng chính sách Chi nhánh đang thực hiện cho vay.

Ông Huỳnh Văn Thuận trình bày tại Hội nghị

Về chất lượng tín dụng: Tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giảm đều qua các năm. Tại thời điểm nhận bàn giao năm 2003, tỷ lệ nợ quá hạn là 6,29%. Đến nay, nợ quá hạn chỉ còn 511 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,16% trên tổng dư nợ của chương trình, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn quốc (0,33%).

Về hiệu quả của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức toàn chi nhánh, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ khi thành lập chi nhánh đến nay đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động, trong đó giải quyết, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.200 lao động để thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng; đặc biệt là thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp cho 114 đối tượng là người khuyết tật được vay vốn tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần và hòa đồng cùng xã hội.

Qua công tác cho vay đã có những mô hình, dự án làm ăn hiệu quả góp phần cùng địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình, dự án cụ thể như: Tổ bánh dân gian ở quận Ninh Kiều; trồng cam xoàn, nhãn Ido ở quận Ô Môn; làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ở quận Thốt Nốt; trồng hạnh, ươm cá giống ở huyện Thới Lai; nuôi cá lóc trong vèo, trồng sen ở huyện Cờ Đỏ; trồng mai kiểng, trồng cam ở huyện Vĩnh Thạnh; trồng vú sữa, sầu riêng ở huyện Phong Điền; trồng mít, xoài, chôm chôm ở quận Cái Răng; trồng nấm rơm, may gia dụng ở quận Bình Thủy…

Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách thành phố đã giúp cho các hộ tiểu thương buôn bán trên chợ nổi Cái Răng có vốn để phát triển kinh doanh, cải thiện cuộc sống, duy trì ngành nghề truyền thống của gia đình ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền và phường Lê Bình, quận Cái Răng; các cơ sở kinh doanh du lịch có thêm nguồn vốn để phát triển các loại hình du lịch vườn, xây dựng homestay để phục vụ các du khách là người nước ngoài như khu du lịch Xẻo Nhum (quận Cái Răng), Vàm Xáng (huyện Phong Điền), du lịch vườn tại khu vực cồn Sơn (quận Bình Thủy),...

Một hộ dân ở TP Cần Thơ phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay ưu đãi (Ảnh: DT)

Với chính sách lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo; đặc biệt đối với người lao động là người khuyết tật, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số được ưu đãi lãi suất bằng 50% lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo. Đây là sự quan tâm đặc biệt cho các đối tượng vay vốn là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, tạo điều kiện cho người khuyết tật, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật tự tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, tinh thần phấn khởi, không còn mặc cảm, tự tin làm ăn, hòa đồng với xã hội...

Ngoài việc tạo việc làm cho người lao động, việc thực hiện có hiệu quả nguồn vốn này cũng đã tác động tích cực đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố; góp phần hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; góp phần nâng cao đời sống người dân, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen.

** Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung tâm DVVL tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Thanh Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 20.121 người tới các cơ sở của Trung tâm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó số người đủ điều kiện được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp: 18.686 người.

Ông Trần Thanh Hiếu

Việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm được đảm bảo đúng quy định, không có sai phạm, không có khiếu nại của người dân, số lao động đến Trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi năm đều gia tăng.

Mặc dù đã tăng cường công tác kết nối và đa dạng hoá các loại hình doanh nghiệp tham gia Phiên GDVL, cũng như tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền đến với người lao động, tuy nhiên hiệu quả chưa cao so với yêu cầu đặt ra. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp truyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm với số lượng khá nhiều (Trung bình 4.000 chỗ việc làm trống/phiên). Nhưng số lao động đến tham gia các phiên GDVL còn hạn chế (trung bình 400 người/phiên).

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường thời gian tư vấn cho người lao động, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để  tìm kiếm vị trí việc làm trống đa dạng hơn; Đẩy mạnh công tác khai thác, tìm kiếm thông tin thị trường lao động, các cơ sở đào tạo và ngành nghề đào tạo nhằm tư vấn, giới thiệu cho người thất nghiệp lựa chọn việc làm, học nghề để nhanh chóng đưa người lao động thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động.

Tăng cường phối hợp với các đơn vị tham gia tuyển dụng làm tốt việc phản hồi thông tin của doanh nghiệp đối người lao động được hẹn phỏng vấn hoặc kết quả phỏng vấn nhằm nâng cao chất lượng cũng như sự tin tưởng cũa người lao động đến tham gia các phiên giao dịch việc làm. Có kế hoạch sắp xếp, bố tri các địa điểm tổ chức phù hợp hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm việc làm đến tham gia các phiên GDVL

Tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách BHTN, phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác thanh kiểm tra các đối tượng đăng ký TCTN; Sớm kết nối dữ liệu với BHXH tỉnh để chủ động trong công tác kiểm tra hồ sơ của người lao động. Có giải pháp kết nối giữa các phần mềm của Cục Việc làm và phần mềm “hệ thống ngân hàng lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.

** TS. Bùi Tôn Hiến - Hiệu trưởng Trường ĐTBDCBCC Lao động–Xã hội cho biết: Công tác truyền thông đối với TTLĐ có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong định hướng xây dựng và thực hiện chính sách, xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy các lực lượng thị trường vận hành phù hợp theo những định hướng và chính sách đó. Truyền thông, tuyên truyền giúp cho các hoạt động và quản trị TTLĐ, các chủ thể nắm bắt được thông tin thị trường, điều chỉnh các hành vi cho phù hợp. Quản trị TTLĐ chủ yếu dựa vào thông tin TTLĐ. Truyền thông trong thời đại thông tin cần dựa trên một hệ thống hạ tầng CNTT mạnh, các phương tiện truyền thông hiện đại.

TS. Bùi Tôn Hiến trình bày tại Hội nghị

Về bức tranh chung về TTLĐ Việt Nam, theo TS. Bùi Tôn Hiến, trong những năm qua, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có tính ổn định và theo chiều hướng tích cực.

Vấn đề tạo việc làm mới của nền kinh tế nói chung là tích cực, lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc phi nông nghiệp tăng khoảng 6 triệu người. Ngành công nghiệp tăng 3,4 triệu việc làm; ngành dịch vụ tăng 2,57 triệu việc làm. Tạo việc làm mới cũng được đánh giá tích cực trong 5 năm qua. Trong 2,04 triệu việc làm mới tăng thêm trong 5 năm, khu vực kinh tế nhà nước đã giảm 443 ngàn người, tương ứng với khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng được 450 ngàn người, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2.034 ngàn người.

Việc làm ngoài nước là bức tranh sáng của TTLĐ. Nếu như năm 2014 có trên 100.000 người thì năm 2018 đã tạo và đưa đi làm việc ở nước ngoài cho 143.000 người, trong đó một số thị trường tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc Đài Loan, có việc làm và thu nhập tốt. So sánh chung với tổng việc làm mới hàng năm, tỷ lệ việc làm ở nước ngoài chiếm quanh mức 6-7% số việc làm mới tạo ra ròng, vừa là những việc làm về cơ bản có chất lượng.

Tiền lương và thu nhập của người lao động tăng lên tương ứng với tăng trưởng và thấp hơn tương đối so với mức tăng NSLĐ. Tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương năm 2014 từ mức 4,3 triệu đồng/người/tháng, năm 2018 tăng lên 5,8 triệu đồng/người/tháng. 

Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc tăng nhanh từ 21,45% lên 26,8% LLLĐ, tương ứng năm 2014 là 11,2 triệu người; năm 2018 là 14,5 triệu người. Số lượng người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng từ 185.000 người năm 2014 lên 295.000 người năm 2018.

Bức tranh chung của TTLĐ những năm qua có thể đánh giá là ổn định và có chiều hướng tích cực. Những chuyển biến lớn của TTLĐ Việt Nam thời gian qua biểu hiện ở sự ổn định công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động tích cực, tỷ lệ thất nghiệp thấp, khu vực kinh tế hiện đại tăng nhanh, NSLĐ và tiền lương tăng phù hợp, các chính sách TTLĐ thụ động cũng đã phát huy vai trò, giao dịch và quản trị TTLĐ hiệu quả…

TS. Bùi Tôn Hiến đánh giá: Chúng ta đang có và duy trì một TTLĐ khá ổn định và tích cực. Vậy, những vấn đề có thể gặp khó khăn, hay thách thức đối với mục tiêu phát triển một TTLĐ linh hoạt, hiệu quả cần phải quan tâm đến một số vấn đề hiện hữu hay tiềm ẩn. Tuỳ thuộc từng địa phương, vùng kinh tế khác nhau thì có các đặc thù khác nhau, trên bình diện chung có các vấn đề cần quan tâm.

** Chia sẻ về hoạt động truyền thông về việc làm trên Tạp chí Giáo dục, TS. Lê Thanh Oai  - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục thông tin: Hoạt động truyền thông trên Tạp chí Giáo dục thông qua các bài báo khoa học, các bài viết đăng tải trên bản giấy hay trên trang website theo định hướng của Cục Việc làm, các trung tâm dịch vụ việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động, việc làm cho người lao động trên cả nước.

TS.Lê Thanh Oai

Các thông tin có sức lan tỏa nhanh chóng trên báo điện tử của Tạp chí. Những bài viết về lao động, việc làm, đào đạo được lưu giữ trên kho mạng của Tạp chí, dễ dàng tìm kiếm. Dẫn nhiều đường dẫn các bài báo khoa học về vấn đề lao động, việc làm… TS Lê Thanh Oai  cho biết: Các bài báo đăng tải trên tạp chí có cấu trúc theo chuẩn quốc tế: từ tiêu đề, tên tác giả, địa chỉ công tác, email, ngày nhận bài, chỉnh sửa và duyệt đăng; tóm tắt và từ khóa; nội dung nghiên cứu chia thành các mục chính: mở đầu, nội dung nghiên cứu: lược sử, phương pháp; kết luận, tài liệu tham khảo.

Mỗi bài báo được phản biện 2 vòng độc lập, phản biện là nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, trong nước hay nước ngoài nhận xét, góp ý cho bài viết đảm bảo tính khoa học chính xác. Sau khi đăng tải, các bài báo được số hóa công khai, đây là nguồn tài nguyên tư liệu mở phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và quốc tế.

Trên Tạp chí Giáo dục bản in, có rất nhiều bài viết khoa học, truyền thông về giáo dục, về đào tạo nghề, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động được đăng tải, có sức lan tỏa rộng trong các cơ sở giáo dục của cả nước và quốc tế. Đối với bài nghiên cứu trên Tạp chí Giáo dục, tài liệu tham khảo, trích dẫn là các luật, nghị định, quyết định, luận án, bài báo đăng trên tạp chí được kết nối với đường link dẫn đến tài liệu gốc, các bài nghiên cứu tải về từ trang web dạng file PDF, khi độc giả đọc trên môi trường internet có thể bấm theo đường link dẫn đến file gốc. Điều này đảm bảo tính khoa học trung thực trong việc tham khảo, trích dẫn theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc khi truy cứu.

Trên trang web, Tạp chí Giáo dục có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, truyền thông trên website có sức lan tỏa lớn, thu hút được nhiều độc giả, nhanh chóng và hiệu quả, thuận tiện đối với bạn đọc trong nước và quốc tế khi tìm hiểu, khai thác.

Trên trang website được mở đầy đủ các chuyên mục thông tin tuyên truyền; đào tạo - việc làm. Các bài tuyên truyền đăng tải trên website thuận lợi: nhanh, tiện; dung lượng bài viết không giới hạn; hình ảnh đẹp rõ nét, thời gian treo dài trong năm thuận lợi để bạn đọc tham khảo tìm kiếm. Đây là thế mạnh so với việc tuyên truyền trên bản giấy hay các phương tiện thông tin khác.

** Cũng tại Hội nghị, nhà báo Trần Nam Dương – Báo Lao động nhấn mạnh: Để tăng cường việc làm và hạn chế tỉ lệ thất nghiệp trong những năm tớicần phải: Hướng học đi đôi với hành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp theo những ngành nghề đã được dự báo.

Nhà báo Nam Dương

Ngoài kiến thức chuyên môn tăng cưiờng giáo dục kỹ năng mềm cho sinh viên, người lao động. Thực tế cho thấy khi tuyển dụng, rất nhiều nhà tuyển dụng, doanh nghiệp chú trọng kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng về ngoại ngữ, tin học bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Xem xét tăng mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, vì mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng là quá thấp; không đủ học nghề đáng hoàng, tử tế để đi xin việc. Với mức hỗ trợ như thế thì chỉ học những nghề đơn giản, thì nguy cơ thất nghiệp lại hiện hữu.

Kiến nghị cho phép trích từ nguồn kết dư từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (hơn 67.000 tỉ đống từ năm 2018) để xây dựng trường, chương trình đào tạo nghề.  Một số nhu cầu việc làm tại TP. Hồ Chí Minh theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Anh Thắng - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐTB&XH tại TP HCM phát biểu tại Hội nghị.
 
 
 
Trước đó, ngày 17/9, Ban tổ chức đã đưa các phóng viên đi thực tế tại một số mô hình thành công từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm tại TP Cần Thơ và tìm hiểu hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ (Ảnh: DT)
 

** Kết luận Hội nghị, TS. Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh, việc tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực này đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, các cơ quan truyền thông và toàn xã hội đặc biệt chú trọng và bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, đặc biệt là sau khi triển khai bảo hiểm thất nghiệp (năm 2008) và khi Luật Việc làm 2013 đi vào cuộc sống, trong đó có vai trò tiên phong của các cơ quan báo chí.

Dưới tác động của hệ thống truyền thông đại chúng, vấn đề giải quyết việc làm, quản lý lao động (nhất là quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam), thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp đã nhanh chóng trở thành một vấn đề thời sự; một đề tài được nhiều người đặc biệt quan tâm trên hầu hết các loại hình báo chí.

Thông qua Hội nghị, lãnh đạo Tạp chí Lao động và Xã hội đề xuất một số giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về việc làm, trong đó đề nghị các cơ quan quản lý báo chí cần có định hướng truyền thông cho các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực việc làm một cách cụ thể, sâu sát; chủ trì, phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các ấn phẩm, thông điệp phục vụ công tác tuyên truyền; chỉ đạo các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục về việc làm, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực này.

Đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cụ thể là Cục Việc làm cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực việc làm hàng năm; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc làm; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, các Sở LĐTB&XH, các cơ sở trực thuộc ngành tạo điều kiện cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí một cách nhanh, chính xác nhất, thực hiện tốt trách nhiệm của người phát ngôn.

Về phía các cơ quan báo chí, cần coi công tác tuyên truyền về việc làm là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có cơ chế thu hút một số phóng viên giỏi, ưu tiên là các nhà báo trẻ, có phẩm chất chính trị đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn báo chí truyền thông vững để kịp thời phản ánh về công tác này; chủ động xây dựng kế hoạch, có nội dung cụ thể để kịp thời đưa tin, bài phản ánh về công tác này; mở chuyên mục, chuyên trang về “Việc làm”.

Hình ảnh do PV Tạp chí ghi nhận trong quá trình đi thực tế tại Trung tâm DVVVL TP Cần Thơ ngày 17/9

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần mở các chuyên mục thông tin nhiều chiều, phản ánh được nhiều ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau trong từng lĩnh vực; từ đó phát hiện, phản biện những bất cập, tồn tại trong thực hiện các chính sách về việc làm để các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn chỉnh trong quá trình thực hiện.

Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia truyền thông trong lĩnh vực việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên tổ chức các sự kiện tôn vinh các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có đóng góp tích cực trong lĩnh vực này.

Đề nghị Cục Việc làm phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Giải báo chí về lĩnh vực việc làm nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích các nhà báo viết về lĩnh vực việc làm, từ đó có nhiều tác phẩm hay, xuất sắc về lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về việc làm trong thời gian tới.

TS. Trần Ngọc Diễn khẳng định, trong những ngày diễn ra Hội nghị, Ban tổ chức đã cung cấp đầy đủ “nguyên liệu” cho các nhà báo, thông qua việc tổ chức 2 đoàn đi thực tế cũng như thông tin từ các bài tham luận. Ban tổ chức mong muốn sau Hội nghị, các nhà báo có nhiều tác phẩm thể hiện được nội dung, ý tưởng của Ban Tổ chức. Tạp chí  và Cục Việc hoan nghênh và sẽ ghi nhận, đánh giá những tác phẩm hay, phản ánh sinh động về lĩnh vực việc làm./.

 

Người viết : Dương Thìn
Danh Mục
Thống kê truy cập
  • Đang trực tuyến
    :  
  • Hôm nay
    :  
  • Hôm qua
    :  
  • Lượt truy cập
    :  
Hotline